(Chinhphu.vn) – Tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở Tây Nguyên trong mùa khô năm nay đã ảnh hưởng tới việc canh tác các loại cây công nghiệp, đặc biệt là cà phê, hồ tiêu, những loại cây cần rất nhiều nước tưới. Do vậy, nhu cầu xăng dầu để chạy máy bơm tưới nước rất cao. Vì vậy, ngoài nguồn cung điện, các doanh nghiệp xăng dầu cũng "căng sức" chống hạn với nhà nông.
Theo ông Phạm Hùng Anh, Phó giám đốc Công ty Cà phê Anh Minh, hiện tại chưa thể đánh giá được mức độ thiệt hại do hạn hán gây ra đối với cây cà phê nhưng nếu thời tiết tiếp tục xấu và việc không đảm bảo tưới tiêu tốt, khả năng sản lượng cà phê niên vụ này sụt giảm là không nhỏ.
Trong cuộc đối thoại trực tuyến trên Cổng TTĐT Chính phủ mới đây, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Y Dhăm Ênuôl cho biết cây cà phê có tác động lớn đến kinh tế - xã hội, thậm chí đến mức nếu mất mùa cà phê có thể ảnh hưởng đến đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Thực tế tại Đắk Lắk, một số vườn cà phê ở các vùng khó khăn về nước tưới đã bắt đầu khô héo. Đắk Lắk hiện có 185.000 ha cà phê, chiếm khoảng 40% diện tích cả nước, do vậy áp lực đối với việc đảm bảo nước tưới rất lớn.
Ông Võ Thanh, Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk, cho biết: “Ngoài đáp ứng bơm nước tưới cho diện tích lớn về cà phê, Đắk Lắk còn có hơn 40.000 phương tiện (xe cộ, máy móc khác) phục vụ cho ngành cà phê. Do vậy, nhu cầu xăng dầu cho sản xuất nông nghiệp, nhất là cà phê trên địa bàn tỉnh là rất lớn”.
Tương tự, Gia Lai cũng là tỉnh có diện tích lớn cây công nghiệp gồm cà phê và hồ tiêu nên nhu cầu xăng dầu cho sản xuất nông nghiệp và nhất là tưới tiêu rất lớn. Ví dụ với cà phê, mỗi gốc cần tới 2.000 lít nước tưới/vụ.
Ông Nguyễn Đức Quýnh, chủ vườn cà phê 5ha ở huyện Ia Grai (Gia Lai) cho biết năm nay do tình hình khô hạn, lượng dầu gia đình ông sử dụng để phục vụ tưới tiêu đã tăng gấp đôi so với năm ngoái.
Người dân mua dầu về phục vụ tưới tiêu. Ảnh: VGP/Quốc Đạt
Mặc dù thời gian qua với việc Chính phủ quan tâm đầu tư lưới điện nông thôn, giúp nông dân chuyển đổi sang bơm điện nhưng cũng chỉ giảm được một phần nhu cầu xăng dầu cho tưới tiêu.
Theo đánh giá của ông Huỳnh Ngọc Tục, Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai, mặc dù điện lưới đã phủ đến 98% thôn buôn của Gia Lai nhưng chủ yếu là điện một pha nên chưa đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu nên nhu cầu xăng dầu vẫn lớn.Theo số liệu của Sở Công Thương Gia Lai, mặt hàng xăng dầu có vai trò quan trọng rất lớn cho phát triển kinh tế, thể hiện qua việc chiếm tới 30% tổng mức lưu chuyển hàng hóa dịch vụ trên địa bàn Gia Lai. Trong đó, xăng dầu phục vụ cho tưới tiêu chiếm tới 20%.
Áp lực lên đầu mốiÔng Vũ Huy Trí, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xăng dầu Bắc Tây Nguyên (thuộc Tập đoàn Petrolimex), đảm nhận cung cấp cho thị trường hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum nói: “Áp lực vụ mùa sản xuất nông nghiệp đối với cung ứng xăng dầu rất lớn. Bình thường, chúng tôi bán ra 800 – 850 m3/ngày nhưng vào cao điểm vụ mùa lên tới 1.000 m3, thậm chí 1.200 m3/ngày và để đáp ứng được không dễ bởi đây là thị trường cuối, rất xa nguồn”.
Hiện ở Tây Nguyên, các đầu mối cung cấp xăng dầu lớn gồm các doanh nghiệp Petrolimex, PVOil, Xăng dầu Quân đội, Công ty Thanh Lễ, Petec… nhưng Petrolimex vẫn chiếm tới 55 -70% thị phần tùy theo từng tỉnh, do vậy áp lực bảo đảm nguồn cung là không nhỏ.
Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex khẳng định: “Với vai trò chủ đạo về nguồn cung, Petrolimex xác định dù thế nào cũng phải đảm bảo nguồn cung, đặc biệt cho sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực kinh tế chủ chốt ở Tây Nguyên”.
Trên thực tế thị trường, các công ty thành viên của Petrolimex tại Tây Nguyên tuy có lượng cửa hàng chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng vẫn chiếm thị phần lớn.
Theo số liệu của Sở Công Thương Gia Lai, Công ty Xăng dầu Bắc Tây Nguyên (thuộc Petrolimex) chỉ chiếm 15,5% về số cửa hàng nhưng đảm bảo 65% thị phần. Còn đối với Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên, đảm nhận thị trường Đắk Lắk và Đắk Nông, cũng nắm khoảng 55% thị phần.Ông Phạm Đình Nguyên, Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên (thuộc Tập đoàn Petrolimex) cho biết: “Sốt xăng dầu thường xảy ra vào cao điểm mùa khô. Với ngành kinh tế chủ lực là các loại cây công nghiệp, gắn liền với an ninh, chính trị, quốc phòng nên địa bàn Tây Nguyên nhạy cảm cao với đảm bảo cung ứng xăng dầu. Đây là áp lực không nhỏ đối với các đầu mối lớn”.
Năm 2011, Tây Nguyên rơi vào tình trạng đứt nguồn cung, trong khi nhiều nhà cung cấp khác rời bỏ thị trường nhưng các cửa hàng của Petrolimex vẫn tiếp tục “căng sức” bán hàng, thậm chí có nhân viên đã ngất tại chỗ do phục vụ quá lâu.Năm nay, dù tình hình khô hạn kéo dài, với sự chủ động về nguồn cung của các đầu mối lớn, các thị trường xăng dầu Tây Nguyên hiện vẫn vận hành bình thường, đảm bảo nhiên liệu để nông dân vượt qua thách thức của thời tiết.